Dự án Sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) cùng hệ thống đường quy hoạch nối từ sân bay này đến thủ đô Hà Nội đang mang đến một làn gió mới cho thị trường Bất động sản (“BĐS”) khu Đông Bắc Hà Nội. Với lợi thế hạ tầng, quy hoạch đồng bộ và định hướng phát triển đô thị hiện đại, khu vực này được đánh giá rất tiềm năng để đầu tư bất động sản trong trung, dài hạn.
Đòn bẩy hạ tầng mở lối cho thị trường bất động sản vùng ven
Khởi công từ cuối năm 2024, sân bay Gia Bình đang bước vào giai đoạn thi công hạ tầng đầu tiên và sẽ dần trở thành cảng hàng không quốc tế thứ hai của miền Bắc, bên cạnh sân bay quốc tế Nội Bài. Dự án đóng vai trò chiến lược về giao thương đồng thời là lực đẩy hạ tầng cực lớn cho cả vùng Đông Bắc Thủ đô và tỉnh Bắc Ninh.
Đặc biệt, tuyến đường có chiều dài gần 50km kết nối trực tiếp từ sân bay Gia Bình về trung tâm Hà Nội qua ga Trung Mầu – cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – cầu Tứ Liên, là một trong những tuyến hạ tầng có sức ảnh hưởng lớn nhất trong quy hoạch đô thị khu vực giai đoạn từ năm 2025–2040.
Tuyến đường này còn được quy hoạch tích hợp hạ tầng đường sắt đô thị và hệ thống ga ngầm TOD (Transit-Oriented Development), mở ra hệ sinh thái giao thông, đô thị thông minh hiện đại, gia tăng đáng kể tính kết nối và tiềm năng sinh lời cho BĐS hai bên trục đường.
Việc khởi công sân bay quốc tế Gia Bình, cùng với quy hoạch tuyến đường huyết mạch nối trực tiếp về trung tâm thủ đô Hà Nội, đang trở thành cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự sôi động và gia tăng giá trị cho thị trường BĐS khu Đông Bắc Thủ đô. Với quy mô đầu tư lớn, quy hoạch bài bản và vai trò chiến lược trong mạng lưới giao thông quốc gia, sân bay quốc tế Gia Bình không chỉ mở rộng trục giao thương mà còn tái định vị khu vực Đông Anh – Gia Lâm trở thành tâm điểm phát triển mới của thủ đô Hà Nội trong thập kỷ tới.
Trên thực tế, các nhà đầu tư BĐS đã bắt đầu đổ bộ vào khu vực Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh) và dọc theo trục kết nối Gia Lâm – Đông Anh – cầu Tứ Liên. Các khu vực này hiện đang ghi nhận mặt bằng giá tăng ổn định, đặc biệt là phân khúc đất nền, nhà phố thương mại và dòng căn hộ cao tầng có pháp lý minh bạch, hạ tầng đồng bộ.
Tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô
Ngày 25/3/2025, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành thông báo về kết luận của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Hà Nội thống nhất phương án tuyến đường kết nối này là xây dựng mới từ điểm kết nối với đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Bắc Ninh vượt sông Đuống và đi theo hướng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng qua khu vực ga Trung Mầu và đấu nối với nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên/Vành đai 3.
Tuyến đi trùng hướng tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên/Vành đai 3 và kết nối với đường dẫn cầu Tứ Liên về trung tâm Thủ đô Hà Nội tại khu vực nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên, Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Chiều dài đoạn tuyến trên địa phận thủ đô Hà Nội dài khoảng 14km không bao gồm đoạn nhánh kết nối, trong đó đoạn tuyến xây dựng mới khoảng 7km, đoạn tiếp theo đi trùng cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên/Vành đai 3 khoảng 7km. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,5km.
Hà Nội thống nhất đề nghị giữ nguyên vị trí tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và ga Trung Mầu phía Bắc tuyến đường, đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt đi về phía Bắc nút giao Ninh Hiệp hiện trạng.
Việc này để thuận lợi trong công tác cải tạo, thiết kế mới nút giao với nguyên tắc đảm bảo tính kết nối thuận lợi của tuyến đường kết nối sân bay quốc tế Gia Bình với các cầu qua sông Hồng, theo Hà Nội.
Về việc rà soát các khu vực phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường, các dự án đầu tư đã và đang triển khai, các khu vực phát triển TOD, Hà Nội giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh để thống nhất, đề xuất việc lập quy hoạch hai bên tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình.
Các cơ quan cũng được giao tiếp tục rà soát các khu vực phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường, các dự án đầu tư đã và đang triển khai, các khu vực phát triển TOD để báo cáo thành phố xem xét, chỉ đạo.
Về cơ chế đầu tư, Sở Tài chính Hà Nội được giao khẩn trương thực hiện chỉ đạo của thành phố trước đó, đồng thời nghiên cứu, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Ninh đề xuất cơ chế, phương án đầu tư tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với trung tâm Thủ đô.
Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu, báo cáo và chuẩn bị nội dung làm việc của UBND Thành Phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh dự kiến trong tuần này để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Hà Nội lưu ý có thể nghiên cứu theo hướng thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng đối với đoạn tuyến trên địa phận Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh thực hiện giải phóng mặt bằng đối với đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, các cơ quan đề xuất lựa chọn phương án đầu tư xây dựng tuyến đường từ sân bay Gia Bình – trung tâm Thủ đô theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT của toàn tuyến, lãnh đạo Hà Nội lưu ý.
Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu kiến nghị Thủ tướng cho phép 2 tỉnh, thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư, quỹ đất đối ứng BT được xác định theo suất đầu tư từng đoạn tuyến trên địa phận 2 địa phương.
Việc này thực hiện theo nguyên tắc việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh, thành phố nào thì sử dụng quỹ đất 2 bên tuyến đường của tỉnh, thành phố đó.
Trước đó, ngày 23/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần nghiên cứu hướng tuyến, phương án kết nối, xây dựng tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với trung tâm Hà Nội nhanh nhất, thẳng nhất, đẹp nhất, hiệu quả nhất.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tuyến đường này trong thời gian nhiều nhất trong 2 năm.
Đây cũng là công trình có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè, đối tác quốc tế, kêu gọi đầu tư và thu hút du lịch, theo lời Thủ tướng.
Sân bay Gia Bình là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống các công trình quốc phòng – an ninh.
Khi hoàn thành, sân bay sẽ phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân Công an nhân dân, dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng), dự bị cho các cảng hàng không, sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp…